Ngành nhựa đang đối diện với những thách thức đến từ yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp trong nước cần chú trọng sản xuất sản phẩm tái chế, cải tiến công nghệ, phát triển bền vững để hướng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 4% trong năm 2024.
Kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu
bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký Hiệp hội nhựa Việt Nam nhận định, xuất khẩu sản phẩm nhựa đang có những tín hiệu tích cực trong 2 tháng đầu năm.
“Tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm nhựa của năm 2023 là 5,2 tỷ USD. Chúng tôi kỳ vọng năm 2024, con số này sẽ tăng khoảng 4% (tương đương 5,5 tỷ USD – PV). Hiện tại, các thị trường xuất khẩu đang khắt khe hơn về yếu tố môi trường, đòi hỏi tín chỉ carbon, công nghệ tái chế. Điều này buộc các doanh nghiệp nhựa trong nước phải thích ứng và cải tiến, để không bị đứt gãy đơn hàng, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng lớn”, bà Mỹ cho biết.
Đại diện Hiệp hội Nhựa cho biết, hiện có gần 4.000 doanh nghiệp nhựa trên cả nước, trong đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 90%. Không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, năm 2023 là một năm đầy khó khăn, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam trong năm 2023 đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,7% so với năm 2022. Nguyên liệu nhựa nhập khẩu năm 2023 đạt 6,8 triệu tấn giảm 4,2% so với 2022. Doanh thu ngành năm 2023 đạt 25 tỷ USD, giảm khoảng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Trên thực tế, các doanh nghiệp đang đối mặt với những thách thức lớn. Vấn đề ô nhiễm nhựa, chính sách giảm thiểu sử dụng nhựa nguyên sinh và tăng cường sử dụng nhựa tái chế trên toàn cầu trong thời gian tới sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội kinh doanh cũng như thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành.
Đẩy mạnh tái chế, phát triển bền vững
Hiệp hội sẽ là cầu nối để doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với các doanh nghiệp quốc tế, thiết bị và công nghệ, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, thúc đẩy sản xuất. Bản thân doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm công nghệ mới, nguyên vật liệu mới phù hợp, thân thiện với môi trường để có thể đáp ứng được xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng đến sự bền vững và thân thiện với môi trường, đáp ứng xu thế chung toàn cầu.
Trong khi nhiều người vẫn nghĩ tái chế là hành động mang tính trách nhiệm thì trên thế giới, đây là một thị trường tiềm năng với nhiều cơ hội hấp dẫn. Từ chỗ phải bỏ đi, rác thải đã trở thành nguồn tài nguyên đầu vào cho nhiều hoạt động sản xuất.Đánh giá ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam đang bước đầu hình thành, thể hiện qua sự quy tụ của các hiệp hội tái chế bao bì giấy, kim loại, thủy tinh, nhựa,…từ đó mang tới kỳ vọng về một môi trường xanh, sạch hơn. Tuy nhiên, một thực trạng không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn phổ biến ở các quốc gia Đông Nam Á khác, đó là hoạt động phân loại rác thải tại nguồn chưa tốt.
Dữ liệu từ Future Market Insight chỉ ra, quy mô thị trường nhựa Việt Nam ước tính đạt 10,92 triệu tấn vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 16,36 triệu tấn vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR đạt 8,44% trong giai đoạn 2024 – 2029 (Mordor Intelligence, 2023). Dù những ảnh hưởng của tình hình kinh tế toàn cầu lên ngành nhựa là không thể phủ nhận, các chính sách kích cầu và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã góp phần duy trì mức tăng trưởng của ngành nhựa Việt Nam. Trong một vài năm tới, phân khúc nhựa xây dựng được dự báo sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành, chiếm khoảng 1/4 tổng ngành nhựa. Bên cạnh đó, ngành bao bì nhựa cũng sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của các nhóm hàng tiêu dùng nhanh, nổi bật là ngành sản xuất chai nhựa, với doanh số bán chai nhựa tại Việt Nam dự kiến đạt 1,126.5 triệu USD vào năm 2033.