Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đề xuất với Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Công thương xem xét bãi bỏ thuế nhập khẩu 2% như hiện tại đẻ đưa về mức 0% đối với xơ Polyester nhập khẩu.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, những năm trước đây, việc nhập khẩu xơ Polyester vẫn được hưởng thuế suất 0%.
Tuy nhiên từ cuối năm 2015, theo kiến nghị của Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTEX), đơn vị đầu tư Dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Hải Phòng, với sản phẩm là xơ Polyester, Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã chấp nhận điều chỉnh và áp dụng tạm thời mức thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này từ 0% lên 2%. Thời gian áp dụng được ấn định đến hết năm 2016.
Đến nay đã quá thời gian áp dụng mức thuế nhập khẩu xơ Polyester 2% và Công ty PVTEX Đình Vũ cũng đã dừng sản xuất hoàn toàn.
Vì vậy, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đến lúc cần đưa mức thuế suất thuế nhập khẩu xơ Polyester về 0% để giúp cho các doanh nghiệp dệt may giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Được biết, xơ Polyester là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho ngành dệt may.
Hàng năm, dệt may Việt Nam phải nhập khoảng 250.000 đến 300.000 tấn từ Đài Loan, Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á.
Trước đó, từ tháng 10/2015 mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xơ staple tổng hợp từ các Polyester đã tăng từ 0% lên 2%.
Việc điều chỉnh thuế nhập khẩu này nhằm hỗ trợ PVTEX đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm xơ sợi tại thị trường nội địa..
Cùng với đề nghị tăng thuế nhập khẩu xơ polyester, thời điểm đó, Bộ Công thương đã có văn bản kêu gọi các Tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xơ sợi và dệt may, các Hiệp hội Bông sợi, Hiệp hội dệt may Việt Nam ưu tiên mua sản phẩm xơ sợi Polyester của PVTEX để làm nguyên liệu sản xuất, tạo động lực thúc đẩy sản xuất trong nước, tháo gỡ các khó khăn giúp PVTEX quản lý vận hành tốt Nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ.
Đầu tư 7.000 tỷ đồng với kỳ vọng tự chủ được 40% nguồn cung xơ sợi, nhưng thực tế, Dự án đầu tư Nhà máy Sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (Hải Phòng) đã sớm “chết yểu”. Tính từ 2012 đến 31/12/2014, lỗ lũy kế 1.472 tỷ đồng, trong đó: 2012 lỗ 21,5 tỷ đồng; 2013 lỗ 366,2 tỷ, 2014 lỗ 1,085 tỷ đồng. Nhà máy đã phải đắp chiếu, không hoạt động từ năm 2015 và để lại ghánh nặng tài chính “khổng lồ” cho nền kinh tế.