Tại cuộc họp trực tuyến với đại diện Bộ Ngoại giao & Hợp tác quốc tế Italia, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Hoàng Quốc Vượng, đã kêu gọi Italia đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ dệt may, da giày của Việt Nam.
Dệt may được xem là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi EVFTA có hiệu lực. Hiện Việt Nam mới chiếm thị phần khiêm tốn thị trường EU, khoảng 2% lượng nhập khẩu từ ngoài khối EU. Năm 2019, xuất khẩu hàng dệt, may của Việt Nam sang EU đạt 4,3 tỷ USD.
Với EVFTA, hàng dệt may Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn hàng của Trung Quốc và cạnh tranh ngang bằng về giá với các nước hiện đang được hưởng thuế 0% như Campuchia, Bangladesh…. Việt Nam lại có lợi thế hơn các nước này về tay nghề cao, chất lượng bảo đảm.
Tuy nhiên, quy tắc xuất xứ trong EVFTA là quy tắc tương đối chặt – “từ vải trở đi”, tức vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam hoặc các nước thành viên EU. Đồng thời, sản phẩm dệt may cần đáp ứng tiêu chí công đoạn gia công chế biến cụ thể quy định tại hiệp định.
Đây là thách thức không nhỏ của ngành dệt may Việt Nam do hiện nay ngành vẫn phải chủ yếu dựa vào nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu do chưa chủ động nguồn cung trong nước, trong khi các đơn hàng chủ yếu làm gia công và việc sử dụng vải và nguyên liệu theo chỉ định của khách hàng nước ngoài. Vì vậy, lời mời hợp tác trong công nghiệp phụ trợ dệt may, da giày của Bộ Công Thương đối với phía Italia có ý nghĩa trong việc giải quyết các thế khó của ngành dệt may Việt Nam hiện nay.
Được biết, tại cuộc họp trực tuyến nói trên, Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao & Hợp tác quốc tế Italia đã thống nhất ký kết thỏa thuận thành lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế. Ủy ban hỗn hợp mới này sẽ thay thế cho ủy ban trước đây giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ phát triển kinh tế Italia, do phía Italia có thay đổi về mặt chức năng của các Bộ.
Việc thành lập ủy ban hỗn hợp mới được kì vọng sẽ giúp cho hai bên duy trì cơ chế hợp tác cấp cao vô cùng hiệu quả và thiết thực trong những năm qua góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên tăng nhanh với tốc độ trung bình từ 15-20% mỗi năm trong đó Việt Nam liên tục duy trì xuất siêu.
Theo số liệu Tổng Cục Hải quan Việt Nam, năm 2019, kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 5,3 tỷ USD, tăng 13,71% so với năm 2018. Trong đó, xuất khẩu đạt xấp xỉ 3,44 tỷ USD (tăng 18,46%), nhập khẩu đạt trên 1,87 tỷ USD (tăng 5,94%). 5 tháng đầu năm 2020, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, kim ngạch song phương chỉ đạt 1,77 tỷ USD, giảm tới 22,53% so với cùng kỳ 2019.