DOANH NGHIỆP VIỆT TÌM GIẢI PHÁP TĂNG XUẤT KHẨU DỆT MAY VÀO MỸ

Mỹ là thị trường xuất khẩu tiềm năng đang được nhiều doanh nghiệp (DN) ngành dệt may Việt Nam nhắm tới khi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại TP.HCM, hiện hơn 60% hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản – hai thị trường chủ chốt trong đàm phán TPP với thuế suất trung bình trên 17%. Sau khi TPP được kí kết, các DN dệt may Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để tăng cường xuất khẩu vào các nước này với thuế suất hứa hẹn về 0%. Bên cạnh đó, DN có thể cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh để vượt qua được những yêu cầu của Hiệp định và những rào cản kĩ thật mà các nước đang dựng lên để bảo vệ sản xuất của các ngành hàng tương ứng trong nước họ.

Ông Christopher Griffin – Chủ tịch Sourcing at Magic (Mỹ) cho biết, Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 2 về xuất khẩu dệt may vào thị trường Mỹ với mức tăng trưởng xuất khẩu năm 2014 là 12,3%. Điều đáng chú ý là trong khi các nước xuất khẩu dệt may vào Mỹ  (kể cả Trung Quốc) đều tăng trưởng âm thì riêng Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao trong những năm gần đây.

“Thống kê thị phần nhập khẩu dệt may vào thị trường Mỹ trong những năm gần đây cho thấy, thị phần nhập khẩu  từ Việt Nam đang tăng dần cùng với đó thị phần nhập khẩu các mặt hàng này từ Trung Quốc lại đang giảm dần. Không chỉ vậy, xu hướng chuyển dịch các nhà máy sản xuất dệt may xuất khẩu đi Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam ngày càng gia tăng, nguyên nhân là do Việt Nam đang có lợi thế về chi phí hơn so với Trung Quốc, ngoài ra, uy tín của hàng hóa Việt Nam cũng cao hơn Trung Quốc. Đây là cơ hội để các DN mở rộng sản xuất, xây dựng sản phẩm chất lượng cao”, ông Christopher Griffin cho hay.

Để tận dụng cơ hội nói trên, ông Nguyễn Văn Cần – Trưởng phòng nghiên cứu phát triển Công ty TNHH MTV Tổng Công ty 28 cho hay, DN này đã tìm phương án hợp tác với một đối tác Nhật Bản (thành viên TPP) để sản xuất nguyên phụ liệu. Theo kế hoạch, Tổng Công ty may 28 ký một hợp đồng hợp tác trong 10 năm với Tập đoàn Sotoh về sản xuất vải len. Sotoh sẽ đầu tư thiết bị, đầu ra cho mặt hàng vải cao cấp, còn Tổng công ty 28 lo phần mặt bằng nhà xưởng và khâu sản xuất. Từ thỏa thuận hợp tác mới, DN này kỳ vọng các thị trường truyền thống thuộc TPP sẽ được nâng lên 60% trong thời gian tới, hiện nay chiếm 30%.

Tương tự, ông Hồ Viết Toàn – Trợ lý Giám đốc – Công ty TNHH Dệt lụa tơ tằm Toàn Thịnh cũng cho biết, sắp tới, Toàn Thịnh sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước thành viên TPP, trong đó tập trung vào thị trường Mỹ. Để giải quyết bài toán cho nguồn nguyên liệu chuẩn khi vào thị trường này, Toàn Thịnh phải nhập khẩu khẩu len từ Woolmark  – một doanh nghiệp phi lợi nhuận, thuộc sở hữu của hơn 25.000 nhà nuôi cừu tại Úc. Song song đó, công ty còn bắt tay cùng Woolmark  sản xuất khăn choàng len cho thị trường Úc vào năm 2016.

Tuy nhiên, Hiệp hội dệt may Việt Nam cho rằng, muốn tận dụng tốt cơ hội này phải tăng cường sự liên kết giữa các nhà sản xuất trong nước, trong ngành với các nhà cung cấp nguyên phụ liệu nhằm tận dụng thành phẩm. Chỉ như vậy, DN Việt mới đáp ứng xuất xứ và hưởng lợi từ TPP cũng như các hiệp định thương mại tự do khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *