CƠ HỘI VÀNG TỪ HIỆP ĐỊNH EVFTA: VIỆT NAM CẦN LÀM GÌ ĐỂ TẬN DỤNG?

Theo các chuyên gia kinh tế, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) có hiệu lực sẽ cơ cấu lại các mặt hàng xuất nhập khẩu, đầu tư, tạo thế tự chủ, bớt lệ thuộc vào một số thị trường truyền thống… đảm bảo cho nền kinh tế của Việt Nam có thể phát triển bền vững. Vấn đề đặt ra hiện nay là Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội vàng trong bối cảnh khó khăn hiện nay?

Cơ hội vàng

Giữa lúc đại dịch COVID-19 đang lan rộng, thách thức tính bền vững của các chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi nền kinh tế Việt Nam là một mắt khâu, thì việc EVFTA được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, lại đang được kỳ vọng mở ra một cơ hội vàng thúc đẩy sự chuyển dịch các chuỗi giá trị này.

Hiện nay, cơ cấu hàng hóa của Việt Nam và EU mang tính bổ sung cao, tương hỗ lẫn nhau nên ít có cạnh tranh trực tiếp, ngược lại sẽ tạo ra những ngành hàng Việt Nam có lợi thế và là cơ hội vàng cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 dự báo sẽ có những ảnh hưởng khó lường đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Các quy định của Hiệp định EVFTA cho thấy, có đến 70% mặt hàng được giảm thuế và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế. Đây là lợi thế lớn dành cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Theo ý kiến các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2025: Cơ hội và thách thức từ các FTA thế hệ mới” diễn ra ngày 21/11, Hiệp định EVFTA có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 4,3% vào năm 2030. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đến năm 2030 dự kiến tăng thêm khoảng 44,4%. Hiện Việt Nam đứng thứ 2 trong các nước ASEAN xuất khẩu sang EU, điều này chứng tỏ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, khi EVFTA có hiệu lực sẽ có cơ sở hơn nữa để Việt Nam vươn lên.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tác động kép của COVID-19 và EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường của nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào các thị trường bên cạnh và nâng cấp Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, EVFTA cũng có tác động tích cực tới lao động; trong đó những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày dự báo sẽ được hưởng lợi nhiều nhất… EVFTA còn có thể đến từ việc tạo sức ép cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh, do đó kỳ vọng tạo ra những tác động tích cực trong trung và dài hạn.

Nhìn nhận từ góc độ ngành nông nghiệp, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khi EVFTA có hiệu lực, thuế các mặt hàng nông sản của Việt Nam vào EU sẽ giảm đáng kể, điều này mang lại nhiều lợi ích, tăng sức cạnh tranh cho DN. Ông Tuấn cho rằng, EU là thị trường lớn với lượng nhập khẩu nông sản khoảng 150 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp Việt Nam sang EU mới đạt 5 tỷ USD. Cùng với đó, thu nhập người dân EU cao nhất thế giới họ sẵn sàng mua hàng có chất lượng, tiêu chuẩn cao. Đây là cơ hội tốt để ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển mình không chỉ về số lượng mà cả chất lượng…

Tận dụng cơ hội thời khốn khó

Là một FTA thế hệ mới, EVFTA được ví là “con đường cao tốc hướng Tây”, kết nối Việt Nam tới một không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường… Tuy nhiên, để tận dụng “cơ hội vàng”, cần chú trọng một số nhiệm vụ sau:

Một là, cộng đồng doanh nghiệp cần sát cánh với các cơ quan Chính phủ trong những nỗ lực thực thi EVFTA. Cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp phải tìm và hiểu về các cam kết, thách thức, cơ hội liên quan đến ngành và lĩnh vực của mình để định vị lại mình và phải hành động ngay, phải tái cấu trúc các thị trường, bạn hàng, nguồn cung ứng… để tận dụng các cơ hội mà các cam kết mở ra.

Hai là, tiếp tục cải cách để tận dụng tốt nhất các cơ hội. Cải cách thể chế sâu, rộng hơn cam kết sẽ mở không gian phát triển cho nền kinh tế Việt Nam. Nỗ lực cải cách thể chế thời hội nhập phải tiếp tục củng cố những nền tảng cạnh tranh minh bạch và công bằng; phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; thúc đẩy liên kết, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo ra hệ sinh thái cộng sinh cùng có lợi giữa các FDI với doanh nghiệp trong nước.

Ba là, phải gia tốc những nỗ lực, nâng cấp nền tảng năng lực cạnh tranh của chính mình về mô hình kinh doanh, về chiến lược, quản trị, nhân lực, chất lượng hàng hóa và dịch vụ theo tiêu chuẩn châu Âu… Doanh nghiệp phải đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình, phải đổi mới mô hình kinh doanh, chiến lược kinh doanh, có những chiến lược dài hạn, đặc biệt là hướng tới phát triển bền vững. Có như vậy, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể tạo dựng được nền tảng tương tác vững chắc với thị trường EU nói riêng và thị trường thế giới nói chung trong bối cảnh mới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *