Đơn hàng bị hủy, hoãn, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán khiến các doanh nghiệp (DN) dệt may gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, các DN vẫn nỗ lực để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất.
Doanh nghiệp may mặc chuyển sang gia công khẩu trang để vượt qua khó khăn trong dịch bệnh
Hủy, hoãn đơn hàng
Trái ngược sự kỳ vọng tăng trưởng tích cực của toàn ngành dệt may trong năm 2020, bước tiếp đà tăng trưởng cao từ năm 2019, ngành dệt may đang trải qua khó khăn thực sự khi dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến hầu hết các thị trường xuất – nhập khẩu chủ lực của ngành. Đến nay, 100% DN sản xuất hàng may mặc đều bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Hiện đơn hàng dệt may tháng 4 và 5 của Việt Nam đã giảm khoảng 70% so với cùng kỳ. Ngay cả kịch bản lạc quan nhất là dịch bệnh toàn cầu được khống chế vào cuối tháng 5, thị trường tiêu thụ vẫn chưa thể khởi sắc trở lại. Hiện nay, các nước châu Âu và châu Mỹ liên tiếp thực hiện biện pháp “phong tỏa”, chuỗi vận chuyển xuất khẩu gần như bị gián đoạn hoàn toàn đã khiến cho nhu cầu giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu của DN. Thậm chí nhiều đơn hàng đã sản xuất xong, chuyển tới cảng biển lại buộc phải quay về kho do không giao được hàng, DN lại gánh thêm chi phí lưu kho bãi.
Phân tích thêm về tình hình khó khăn của ngành, bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương cho biết dịch bệnh Covid-19 tác động đến ngành dệt may Việt Nam trên nhiều phương diện. Dịch bệnh bùng phát tại Mỹ và EU khiến nhu cầu nhập hàng từ hai thị trường này sụt giảm đột ngột, đồng thời cắt đứt nguồn cầu của toàn ngành. Đa số các đối tác lớn đều có động thái cắt giảm hoặc ngừng tất cả đơn hàng tới hết tháng 3 hoặc tháng 4, thậm chí có đối tác tạm thời ngừng nhận đơn hàng tới hết tháng 6. Con số giảm mạnh sẽ sớm thể hiện trong kim ngạch xuất khẩu tháng 5 và tháng 6, khi lượng đơn hàng bị hủy, hoãn đều nằm trong khoảng thời gian này. Tồn kho sẽ khiến hàng may mặc mất giá trị nhanh chóng bởi đặc thù của hàng thời trang là sản xuất theo mùa, quần áo mùa hè không thể để bán sang mùa thu đông hoặc để tới năm sau vì sẽ không còn hợp thời. Châu Âu và Mỹ bước đầu đã vượt qua được giai đoạn căng thẳng nhất của dịch bệnh. Tuy nhiên, những đơn hàng bị hoãn phần lớn là cho dịp xuân – hè, dự kiến hết dịch bệnh thì thời tiết đã sang thu. Vì vậy, khả năng cao đơn hàng dừng hoãn sẽ trở thành đơn hàng bị hủy.
Nỗ lực vượt khó
Chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu bị gián đoạn dẫn đến DN không thể tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, chi phí gia tăng. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với DN dệt may trong nước cũng như toàn cầu là dòng tiền đang dừng lại, đe dọa sự tồn tại của DN. Thời gian qua, nhằm “tự cứu mình”, các nhà máy dệt may đang triển khai chiến lược chuyển đổi thị trường tiêu thụ vào trong nước, thay đổi sản phẩm sản xuất từ may mặc sang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn và quần áo bảo hộ, số khác bắt đầu chia sẻ đơn đặt hàng và nguyên liệu thô.
Trước việc phải duy trì việc làm cho 100% người lao động, Công ty Cổ phần May Quốc tế (TX.Bến Cát) đang nỗ lực tìm kiếm nguồn hàng và chuyển sang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn để bù đắp phần thiếu hụt của các sản phẩm truyền thống. Sản xuất khẩu trang dù lợi nhuận bằng 0 song để hỗ trợ công nhân có việc làm, công ty vẫn nhận hàng gia công. Về lâu dài, công ty cũng không thể duy trì mặt hàng này vì nhu cầu khẩu trang chỉ mang tính thời điểm. Khi chúng tôi đặt vấn đề tại sao không sản xuất phục vụ cho tiêu dùng nội địa, bà Phan Lê Diễm Trang cho biết dịch bệnh ảnh hưởng trên toàn thế giới nên tình hình chi tiêu tài chính đều bị thắt chặt. Ngay cả ở Việt Nam khi dịch bệnh đã được khống chế rất tốt thì tiêu dùng cho ngành may mặc chỉ còn khoảng 30%. Hơn nữa trong một thời gian ngắn mà thay đổi chiến lược, nhân sự… sang thị trường nội địa thì DN càng đối mặt với rủi ro lớn hơn.
Theo ông Phan Thành Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương, ngoài Mỹ và EU đã tuyên bố ngừng nhập hàng hoặc tạm hoãn, số đơn hàng xuất khẩu sang hai thị trường lớn Nhật Bản và Hàn Quốc đã trở lại song cũng đã giảm lần lượt 50 và 70%. Ông Đức ước tính các nhà máy hiện tại chỉ sản xuất khoảng 30% công suất so với trước đây để cầm cự là chủ yếu. Dịch bệnh Covid-19 đã làm đảo lộn mọi kế hoạch, mục tiêu sản xuất, kinh doanh của DN. Trong những năm qua, công ty đã tái cơ cấu cho phù hợp thị trường, tối ưu kinh doanh, nhưng từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 đã đặt DN về mốc xuất phát ban đầu. Mặc dù DN rà soát, siết chặt chi phí song khó khăn trước mắt vẫn là rất lớn.